ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN – Hội Y Học Thể Thao

“Exercise is good”- hoạt động thể dục thể thao là liều thuốc tự nhiên giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, cải thiện sức khỏe tim mạch, hô hấp đã được chứng minh qua hàng thập kỷ. Tuy nhiên chúng ta cũng không ít lần chứng kiến hình ảnh các vận động viên trẻ, khỏe đổ gục trên sân đấu và ra đi mãi mãi, để lại những tác động to lớn đến tâm lý và xã hội. Vậy đột tử ở vận động viên có thường gặp không? Nguyên nhân đột tử là gì? Chúng ta cần làm gì khi tình huống ấy xảy ra? Và, ta có thể tầm soát cũng như dự phòng như thế nào?

I. ĐỊNH NGHĨA

Đột tử do tim (SCD) là cái chết tự nhiên, đột ngột, bởi nguyên nhân tim mạch, ở bệnh nhân có/không có bệnh tim mạch trước đó, xảy ra trong vòng 1 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên1

BN ngưng tim được cứu sống, được gọi là “đột tử do tim được ngăn chặn” (aborted SCD) hay ngưng tim đột ngột (SCA – sudden cardiac arrest)

II. DỊCH TỄ

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 1: Tỉ lệ và nguyên nhân thường gặp gây SCD qua các độ tuổi
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 2: tỷ lệ SCD giữa vận động viên và người bình thường cùng độ tuổi, theo nghiên cứu ở Ý

Tỷ lệ SCD ở vận động viên thay đổi tùy theo khu vực và nhóm đối tượng nghiên cứu (bảng 1)3, cho đến hiện tại vẫn chưa có số liệu cụ thể ở Việt Nam. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ này dao động từ 0,5 trên 100.000 ở các vận động viên trung học tại Minnesota đến 2,3 trên 100.000 ở các vận động viên trẻ tuổi thi đấu tại Bắc Ý4. Theo một nghiên cứu tại khu vực Veneto nước Ý, tỷ lệ SCD ở vận động viên là 2,3 trên 100.000 người-năm, trong khi ở nhóm bình thường cùng độ tuổi là 0,9 trên 100.000 người-năm, cho thấy nguy cơ SCD ở vận động viên cao hơn nhiều so với những người bình thường cùng độ tuổi cùng độ tuổi5 (hình 1) .

Nguy cơ SCD ở vận động viên cũng khác biệt theo giới tính và tuổi tác. Nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới, lớn tuổi có nguy cơ cao hơn người trẻ6,7 (hình 2). Trong nhóm tuổi trẻ, nguyên nhân chính của SCD thường là các bệnh cơ tim di truyền và các bất thường bẩm sinh của động mạch vành. Trong khi đó, ở nhóm tuổi trung niên và người cao tuổi, nguyên nhân chính thường là bệnh động mạch vành xơ vữa, bệnh van tim, suy tim.

Việc triển khai chương trình tầm soát trước khi tham gia thể thao ở Ý đã giúp giảm tỷ lệ đột tử do tim ở vận động viên từ 3,6 trên 100.000 người-năm vào năm 1979-1980 xuống còn 0,4 trên 100.000 người-năm vào năm 2003-20047 (hình 15). Chương trình này chủ yếu dựa trên điện tâm đồ (ECG) để phát hiện và loại trừ các vận động viên có nguy cơ cao khỏi các hoạt động thể thao thi đấu.

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Bảng 1: Nguyên nhân chính gây đột tử ở người trẻ và/hoặc vận động viên, dựa trên tử thiết, ở các nghiên cứu. CAD: bệnh mạch vành do xơ vữa; CAA: bất thường động mạch vành; AC: bệnh cơ tim gây loạn nhịp; HCM: bệnh cơ tim phì đại; MVP: sa van 2 lá

III. SINH LÝ BỆNH

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 3: các kích thích (trigger) từ vận động quá sức trên cơ tim có sẵn bất thường (substrate) làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp2

Diễn tiến sinh lý bệnh là suy sụp tuần hoàn hoặc rối loạn nhịp tim, rung thất, dẫn đến hậu quả cuối cùng là ngưng tim. Ta có tể dùng mô hình tam giác Coumel để diễn giải (hình 4):

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 4: Mô hình tam giác Coumel
  • Cơ chất (substrate): những bất thường cấu trúc tim sẵn có, hoặc biến đổi do bệnh lý, tạo tiền đề cho rối loạn nhịp xảy ra. Ví dụ: sẹo cơ tim do nhồi máu cơ tim, vách liên thất phì đại và các sợi cơ tim sắp xếp bất thường trong bệnh cơ tim phì đại, đường dẫn truyền phụ trong hội chứng WPW, bất thường nơi xuất phát động mạch vành bẩm sinh, sẹo cơ tim. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa anabolic steroid và sự biến đổi tế bào cơ tim8-11, đây cũng là 1 cơ chất quan trọng của SCD.
  • Yếu tố khởi kích: là những yếu tố gây khởi kích những xung điện bất thường, bao gồm các cơn nhịp nhanh, ngoại tâm thu, thiếu máu cơ tim, rối loạn điện giải, thay đổi huyết động, kích thích giao cảm, căng thẳng lo âu, sử dụng chất kích thích và thuốc (amphetamine, cocaine, rượu), hoạt động thể chất quá mức…
  • Điều chỉnh bởi hệ thần kinh tự chủ (Modulation by the Autonomic Nervous System): Hệ thần kinh tự chủ, gồm hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp tim. Sự mất cân bằng trong hoạt động của hai hệ này có thể làm tăng khả năng xảy ra rối loạn nhịp.

IV. NGUYÊN NHÂN

Đột tử do tim (SCD) ở vận động viên, thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tần suất của các nguyên nhân thay đổi tùy độ tuổi, tùy vùng địa lý.

  • Ở vận động viên dưới 35 tuổi, nguyên nhân thường gặp thường liên quan đến3:
    • Các bất thường cấu trúc tim bẩm sinh hoặc mắc phải như: bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy – HCM), bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (Arrhythmogenic Right Ventricular Cardiomyopathy – ARVC), bất thường động mạch vành bẩm sinh, hội chứng kích thích sớm (Wolff Parkinson White – WPW, viêm cơ tim…
    • Rối loạn hoạt động điện tim nguyên phát: hội chứng QT dài, Brugada, nhịp nhanh thất đa hình liên quan đến catecholamine (Catecholaminergic polymorphic ventricular tachycardia: CPVT)
  • Ở vận động viên trên 35 tuổi, nguyên nhân nổi trội gây đột tử thường là bệnh lý xơ vữa động mạch vành, bệnh cơ tim dãn nở (bẩm sinh hoặc mắc phải), bệnh van tim.
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 5: tỉ lệ các nguyên nhân thường gặp gây SCD ở người trẻ qua nghiên cứu dựa trên tử thiết ở Ý. CAD: bệnh mạch vành do xơ vữa; myocarditis: viêm cơ tim; AC: bệnh cơ tim gây loạn nhịp; HCM: bệnh cơ tim phì đại; MVP: sa van 2 lá; Conduction system: bệnh lý hệ thống dẫn truyền; CAD cong: bệnh lý mạch vành bẩm sinh; DCM: bệnh cơ tim dãn nở; Aortic rupture: vỡ động mạch chủ; CAD other: bệnh mạch vành khác; Postoperative CHD: bệnh tim bẩm sinh sau phẫu thuật; PE: thuyên tắc phổi; Mechanical other: bệnh lý cấu trúc khác; Unexplaned: không giải thích được. Nguồn: Thiene G. Autopsy and sudden death. Eur Heart J Suppl. May 2023
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 6: độ tuổi khởi phát, hoàn cảnh khởi phát SCD của một số nguyên nhân thường gặp
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 7: Bất thường nơi xuất phát động mạch vành bẩm sinh
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 8: Bệnh cơ tim phì đại và đột tử ở vận động viên nam 17 tuổi. (A) hình ảnh siêu âm tim trúc dài cạnh ức của buồng tống thất T, với phì đại vách liên thất (VS), phì đại nhiều hơn thành tự do thất (PW). LA: nhĩ trái; (B) mẫu tử thiết tim với lát cắt theo trục dọc; (C) các sợi cơ tim sắp xếp lộn xộn trên mô học; (D) bệnh cơ tim phì đjai chiếm 9% trong số các nguyên nhân gây đột tử trong nghiên cứu. Nguồn: Thiene G. Autopsy and sudden death. Eur Heart J Suppl. May 2023
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 9: Các bệnh lý rối loạn nhịp tiên phát: a. hội chứng QT dài. b. hội chứng QT ngắn. c. hội chứng Brugada. d. nhịp nhanh thất đa hình liên quan catecholamine. Nguồn: Sudden Cardiac Death in the Young and Athletes, G. Thiene, D. Corrado, C. Basso
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 10: Hội chứng kích thích sớm do đường dẫn truyền phụ (cầu Kent). Khi có một nhịp bất thường đi qua đường phụ, sẽ có nguy cơ khởi kích rối loạn nhịp. Nguồn: Thiene G. Autopsy and sudden death. Eur Heart J Suppl. May 2023

V. XỬ TRÍ SƠ CẤP CỨU

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 11: Các yếu tố giúp tăng khả năng sống còn của những trường hợp đột tử. Nguồn: Michelland L, Murad MH, Bougouin W, et al. Association between basic life support and survival in sports-related sudden cardiac arrest: a meta-analysis

SCD là 1 sự kiện thảm khốc, việc xử trí kịp thời, đúng cách để giữ được tính mạng bệnh nhân là cực kì quan trọng. Việc sơ cứu đúng lúc giúp làm tăng tỉ lệ sống còn của bệnh nhân SCA từ 22,8% trong các nghiên cứu trước đây lên 66,7%)12. Qua các nghiên cứu, có 3 yếu tố chủ yếu có liên quan đến tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân bị SCD13:

  • Sự chứng kiến: Các trường hợp SCD có người chứng kiến thường có tỷ lệ sống sót cao hơn do được cấp cứu kịp thời
  • Hồi sinh tim phổi (cardiopulmonary resuscitation – CPR) bởi người xung quanh: Thực hiện hồi sinh tim phổi ngay lập tức bởi người xung quanh có thể tăng tỷ lệ sống sót lên nhiều lần.
  • Sử Dụng thiết bị khử rung ngoài cơ thể (Automated External Defibrillator – AED): AED là thiết bị quan trọng trong việc khôi phục nhịp tim bình thường cho bệnh nhân bị loạn nhịp thất. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết nối AED trước khi đội cấp cứu đến hiện trường có thể tăng tỷ lệ sống sót lên đáng kể

 Vì vậy, khi phát hiện có 1 trường hợp đổ gục khi đang tập luyện, khi điều kiện cho phép ngay lập tức tiếp cận người bệnh, bắt mạch, nếu phát hiện bệnh nhân ngưng tim, lập tức phản ứng theo quy trình sau đây:

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 12: Quy trình xử trí ngưng tim ngoài bệnh viện. Nguồn: cpr.heart.org
  1. Gọi Cấp Cứu (EMS), gọi hỗ trợ: ngay lập tức la lớn thông báo tình hình, nhờ người xung quanh gọi cấp cứu nếu có thể
  2.  Thực Hiện CPR: Bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi càng sớm càng tốt với tỷ lệ ấn tim – thổi ngạt là 30:2 nếu có thể. Nếu không, chỉ cần ấn tim liên tục. Theo nghiên cứu của Michelland và cộng sự13, việc CPR sớm giúp cải thiện tỷ lệ sống sót mà không để lại tổn thương thần kinh đáng kể
  3. Sử dụng thiết bị khử rung ngoài cơ thể (AED): ngay khi tiếp cận được máy AED, thực hiện theo hướng dẫn của máy để sốc điện nếu nhịp có thể sốc được.
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 13: Quy trình hồi sinh tim phổi (CPR)

Các trường hợp gần đây như cầu thủ bóng đá Christian Eriksen và tay đua xe đạp Sonny Colbrelli cho thấy sự thành công của việc xử trí SCD ngay tại hiện trường nhờ vào AED và CPR kịp thời. Các trường hợp này minh chứng cho sự tiến bộ trong việc xử trí SCD trong thể thao, dẫn đến tỷ lệ sống sót cao hơn và giảm thiểu tổn thương não do thiếu oxy.

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 14: Ảnh trên: ngay khi Eriksen đổ gục xuống sân lập tức thực hiện hồi sinh tim phổi và phá rung ngoài cơ thể. Ảnh dưới: Eriksen hồi phục sau đó. Hiện tại anh ấy vẫn thi đấu chuyên nghiệp với máy phá rung cấy trong người (ICD)

Nhân viên y tế không phải lúc nào cũng có thể có mặt tại hiện trường ngay thời điểm bệnh nhân đột tử, trong khi thời gian là mạng sống. Vì vậy, để đảm bảo việc xử trí đạt hiệu quả cao nhất về lâu dài, cần:

  • Huấn luyện CPR bài bản, phổ cập rộng rãi không chỉ cho nhân viên y tế mà còn cả huấn luyện viên, vận động viên, rộng hơn nữa là cả cộng đồng.
  • Huấn luyện cách sử dụng AED rộng rãi, trang bị AED ở các giải thi đấu để tiếp cận kịp thời khi sự cố xảy ra.
  • Làm truyền thông, nâng cao nhận thức về SCD, về tầm quan trọng của CPR đúng cách và kịp thời, về AED, để mọi người đều có thể phản ứng nhanh chóng khi có sự cố ngưng tim.

VI. TẦM SOÁT

  1. Lợi ích của tầm soát:

Các chương trình tầm soát giúp phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể dẫn đến SCD, từ đó có thể can thiệp kịp thời và ngăn ngừa SCD. Ví dụ, một nghiên cứu tại Ý cho thấy việc thêm ECG vào quy trình tầm soát, đã phát hiện ra nhiều vận động viên mắc các bệnh lý có thể dẫn đến SCD trong tập luyện, đã giảm tỷ lệ tử vong do SCD từ 3,6/100.000 người-năm xuống còn 0,4/100.000 người-năm7

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 15: Tỉ lệ SCD ở nhóm vận động viên và bình thường cùng độ tuổi qua từng năm ở Veneto, Ý. Năm 1982 bắt đầu tầm soát trước tập luyện

2. Công cụ tầm soát:

Hiện nay, các công cụ tầm soát gồm có: bảng 12 câu hỏi của AHA dựa trên tiền căn, triệu chứng, khám lâm sàng; ECG; siêu âm tim; test gắng sức tim mạch – hô hấp (CPET); CTA mạch vành; MRI tim; xét nghiệm gene. Mỗi công cụ đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, độ nhạy riêng với các bệnh nguyên đã đề cập ở trên14

Công cụ Ưu điểm Hạn chế Tối ưu hóa
Tiền căn, bệnh sử, khám lâm sàng  theo AHA ít tốn chi phí, dễ thực hiện, có thể áp dụng rộng rãi Không nhạy và không đặc hiệu nếu chỉ sử dụng đơn lẻ Kết hợp cùng các test phù hợp để tăng khả năng chẩn đoán
ECG Độ nhạy cao trong phát hiện các bệnh lý cơ tim, bệnh lý rối loạn dẫn truyền như WPW, hội chứng QT dài Chi phí thấp, nhanh, dễ thực hiện Độ đặc hiệu kém, nếu phân tích không tốt có thể dẫn đến lạm dụng các cận lâm sàng khác Không phát hiện được các bất thường cấu trúc như hội chứng Marfan, bệnh lý van tim, bất thường mạch vành bẩm sinh… Sử dụng các tiêu chí chẩn đoán để không chẩn đoán nhầm Huấn luyện phân tích ECG Kết hợp bệnh sử, khám lâm sàng
Siêu âm tim Có thể quan sát tốt các bất thường về van tim, kích thước các buồng tim, vận động của tim, có thể phát hiện được bất thường nơi xuất phát động mạch vành trong một số trường hợp Phụ thuộc kinh nghiệm, kĩ thuật của người làm Không nhạy trong các bệnh lý liên quan đến rối loạn nhịp tim nguyên phát như hội chứng QT dài, Brugada…  
CPET Đánh giá tổng thể chức năng tim mạch – hô hấp khi nghỉ cũng như khi gắng sức Xác định mức thể lực hiện tại Phát hiện được các rối loạn tim mạch – hô hấp khi gắng sức. Có thể gợi ý một số bệnh lý như bất thường mạch vành bẩm sinh, tăng áp phổi, rối loạn nhịp Phân tầng nguy cơ trong một số bệnh lý như HCM, DCM Cần đội ngũ có kinh nghiệm, trang bị đầy đủ   Cần thực hiện protocol phù hợp với đặc thù từng môn thể thao  
CTA Nhạy trong việc phát hiện bất thường mạch vành hoặc động mạch chủ: xơ vữa động mạch vành, bất thường nơi xuất phát động mạch vành, hội chứng Marfan, van động mạch chủ 2 mảnh Khả năng phát hiện các bất thường ngoài mạch máu hạn chế Giá cao  
MRI tim Phát hiện được chính xác các bất thường trong cấu trúc tim, kể cả tái cấu trúc cơ tim Hạn chế trong phát hiện các bệnh lý rối loạn nhịp nguyên phát như QT dài, Brugada Giá cao Cần chuyên gia có kinh nghiệm  
Bảng 2: Ưu – nhược điểm của một số công cụ tầm soát thường dùng

Đến lúc này, câu hỏi đặt ra là trong rất nhiều công cụ sẵn có, chúng ta sẽ dùng công cụ nào để tầm soát bước đầu?

3. Quy trình tầm soát:

Để tầm soát bước đầu trên diện rộng, yêu cầu các công cụ phải phát hiện được nhiều trường hợp nguy cơ nhất có thể, mà chi phí không được quá cao nếu tầm soát diện rộng. Dựa trên các tiêu chí trên, Hội tim mạch châu Âu (ESC), Ủy ban Olympic Quốc tế đã đề xuất quy trình tầm soát trước tập luyện ở vận động viên gồm các bước sau15 (hình 16):

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 16: Lưu đồ tầm soát tiền thi đấu
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 17: Khả năng phát hiện các bệnh lý cụ thể của từng công cụ, kèm tỉ lệ của các nguyên nhân. Nguồn: Corrado D, Pelliccia A, Basso C, Zorzi A. Screening professional athletes for cardiovascular diseases at risk of cardiac arrest

Như hình 17, hỏi tiền căn, bệnh sử, khám lâm sàng kết hợp ECG có độ nhạy nhất định trong việc nghi ngờ, phát hiện các bệnh cơ tim phì đại, WPW, Brugada, hội chứng QT dài, bệnh cơ tim loạn nhịp (là những nguyên nhân thường gặp gây SCD ở vận động viên), chi phí không quá cao, có thể áp dụng rộng rãi. Tuy vậy, mô hình trên vẫn có một số nhược điểm:

  • Lỗ hổng tầm soát: một số bệnh lý không biểu hiện lâm sàng, ECG không phát hiện được, ví dụ nhịp nhanh thất đa hình liên quan catecholamine, sẹo cơ thất trái không do thiếu máu, bất thường nơi xuất phát động mạch vành. Vì vậy, với các môn thể thao có nguy cơ SCD cao như thể thao thi đấu đối kháng, cường độ cao, cần kết hợp thêm các công cụ như CPET, siêu âm tim, chụp mạch vành nếu bác sĩ y học thể thao đánh giá là cần thiết.
  • Chẩn đoán quá mức: tim vận động viên thường có những thay đổi cấu trúc như phì đại hoặc dãn một cách sinh lý để đáp ứng nhu cầu bơm máu trong lúc tập luyện, có thể có block nhánh sinh lý kèm theo. Nếu diễn giải ECG không phù hợp có thể nhầm lẫn các biến đổi sinh lý này với tình trạng bệnh lý, dẫn đến chỉ định quá tay các cận lâm sàng chuyên sâu. Để khắc phục tình trạng này, cần phân tích theo Tiêu chuẩn quốc tế để phân tích ECG cho vận động viên, đồng thời training thường xuyên cho Các bác sĩ tầm soát về vấn đề này
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 18: Tiêu chuẩn quốc tế phân tích ECG cho vận động viên

Khi tầm soát bước đầu nếu có nghi ngờ, sẽ tiếp tục thực hiện các cận lâm sàng chuyên biệt cho từng bệnh nghi ngờ (bảng 3)

Bệnh lý nghi ngờ hoặc lâm sàng gợi ý Hình ảnh chẩn đoán đầu tiên Hình ảnh bổ sung khi cần thiết
Bệnh cơ tim phì đại siêu âm tim và MRI tim ECG lưu động, hình ảnh học gắng sức
Bệnh cơ tim loạn nhịp siêu âm tim và MRI tim ECG lưu động, hình ảnh học gắng sức
Bệnh cơ tim xốp siêu âm tim và MRI tim Hình ảnh học gắng sức
Bệnh cơ tim giãn nở mang tính gia đình/di truyền siêu âm tim và MRI tim
Bệnh cơ tim do độc chất (rượu, steroid đồng hóa…) siêu âm tim và MRI tim Hình ảnh học gắng sức
Viêm cơ tim siêu âm tim và MRI tim ECG lưu động
Bệnh tim bẩm sinh phức tạp siêu âm tim MRI tim và CT, hình ảnh học gắng sức
Bệnh lý dẫn truyền tim    
Hội chứng Wolff-Parkinson-White siêu âm tim và hình ảnh học gắng sức ECG lưu động, MRI tim hoặc CTA
Hội chứng QT dài bẩm sinh Hình ảnh học gắng sức ECG lưu động
Nhịp tim nhanh thất đa hình do catecholamin Hình ảnh học gắng sức ECG lưu động
Nhịp tim nhanh thất vô căn Hình ảnh học gắng sức ECG lưu động
Bệnh lý động mạch vành    
Dị tật bẩm sinh của động mạch vành CTA hoặc MRI tim hoặc siêu âm tim Hình ảnh học gắng sức, ECG lưu động
Bệnh xơ vữa động mạch vành mắc phải siêu âm tim Hình ảnh học gắng sức hoặc MRI tim
Bệnh van tim    
Van động mạch chủ hai mảnh (kèm hẹp van +/- bệnh lý động mạch) siêu âm tim MRI tim hoặc CTA
Hẹp van động mạch phổi (với hẹp từ trung bình trở lên) siêu âm tim ECG lưu động
Sa van hai lá (với hậu quả rối loạn nhịp) siêu âm tim ECG lưu động
Bệnh lý động mạch chủ    
Bệnh lý động mạch chủ do van hai mảnh CTA hoặc MRI tim hoặc siêu âm tim  
Bệnh lý động mạch chủ di truyền/phình động mạch chủ ngực/ bệnh lý động mạch chủ vô căn CTA hoặc MRI tim hoặc siêu âm tim  
Hội chứng Marfan/Loeys-Dietz/hội chứng Ehlers-Danlos (type IV) CTA hoặc MRI tim hoặc siêu âm tim  
Triệu chứng hoặc dấu hiệu lâm sàng    
Âm thổi ở tim siêu âm tim MRI tim
Đau ngực khi gắng sức/khó thở siêu âm tim và hình ảnh học gắng sức MRI tim
Ngất xỉu siêu âm tim MRI tim
Mất sức siêu âm tim và hình ảnh học gắng sức MRI tim
Nhịp tim chậm ECG siêu âm tim
Bảng 3: Các bệnh lý tim mạch và triệu chứng/dấu hiệu quan trọng ở vận động viên, với phương pháp kiểm tra được khuyến cáo tiếp theo

4. Đối tượng tầm soát

Tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia, mà độ tuổi tầm soát sẽ có khác nhau.

Một nghiên cứu thực hiện bởi Malhotra16, tầm soát bệnh lý tim mạch ở cầu thủ trẻ ở Anh từ 1996-2016, mỗi vận động viên sẽ được tầm soát ở độ tuổi trung bình 16 tuổi, 1 lần duy nhất. Kết quả cho thấy 5/8 vận động viên SCD do bệnh lý cơ tim, có kết quả tầm soát tim mạch bình thường trước thời điểm tử vong trung bình 6.8 năm.

Nghiên cứu do Sarto P. và cộng sự thực hiện ở Ý17 cho thấy rằng việc tầm soát tiền thi đấu cho phép phát hiện các bệnh tim mạch có nguy cơ SCD trong suốt độ tuổi nghiên cứu của vận động viên trẻ từ 7-18 tuổi, trong đó tầm soát ở độ tuổi ≥ 12 cho tỷ lệ chẩn đoán cao hơn và chi phí để chẩn đoán ra 1 ca nguy cơ thấp hơn so với độ tuổi < 12. Cùng với đó, việc đánh giá tim mạch lặp lại hàng năm giúp tăng khả năng chẩn đoán so với tầm soát một lần duy nhất: sau khoảng ba lần tầm soát hàng năm, số lượng vận động viên được chẩn đoán có nguy cơ tăng từ 25 ở lần đánh giá ban đầu đến 69 ở lần đánh giá cuối, trong đó các bệnh lý tim mạch di truyền và sẹo thất trái không do thiếu máu (non-ischemic left ventricular scar – NILVS) thường được phát hiện qua đánh giá lặp lại.

Từ các kết quả trên, cân nhắc với tiềm lực tài chính, nguy cơ của các môn thể thao cụ thể, đề xuất nên có chương trình tầm soát hàng năm ở các vận động viên trẻ, đặc biệt là các vận động viên thi đấu cường độ cao, để giảm thiểu nguy cơ tử vong mà chúng ta có-thể-phòng-ngừa-được.

ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 19: Tầm soát tiền thi đấu ở vận động viên trẻ, hàng năm. Nguồn: Value of screening for the risk of sudden cardiac death in young competitive athletes. Eur Heart J. Mar 21 2023
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 20: Mô hình miếng phô mai Thụy Sĩ (Swiss cheese model) trong ngăn ngừa đột tử: các công cụ tầm soát thích hợp sẽ làm giảm nguy cơ đột tử ở những người có bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Mỗi công cụ có điểm mạnh – điểm yếu riêng, càng nhiều công cụ tầm soát phù hợp sẽ càng giảm nguy cơ. Trong trường hợp đã tầm soát nhưng vẫn sót bệnh, máy sốc điện (cùng CPR) là hàng rào bảo vệ cuối cùng khi ngưng tim xảy ra, giảm thiểu tối đa nguy cơ đột tử

VII. TẬP LUYỆN Ở ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ BỆNH LÝ TIM MẠCH LIÊN QUAN SCD

Vận động viên mắc các bệnh lý liên quan SCD nên được điều trị dứt điểm căn nguyên nếu có thể, phân tầng nguy cơ SCD và kê đơn tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh, để giảm thiểu tối đa nguy cơ SCD mà vẫn có thể được hưởng những lợi ích từ việc tập luyện. Việc chẩn đoán, phân tầng nguy cơ, kê đơn tập luyện cũng như hướng dẫn tập luyện nên được phối hợp bởi đội ngũ chuyên gia về tim mạch, y học thể thao, phục hồi chức năng, thăm dò chức năng đã được đào tạo, dựa theo các bằng chứng và hướng dẫn hiện hành của các Hiệp hội uy tín, cũng như dựa trên share decision making giữa bác sĩ – bệnh nhân18-21

Ví dụ:

  • Các bệnh nhân bệnh mạch vành do xơ vữa, có triệu chứng thiếu máu cơ tim khi gắng sức, tuy nhiên hình ảnh mạch vành ở mức nguy cơ thấp, không rối loạn nhịp khi tập thể dục, không rối loạn chức năng co bóp thất trái, có thể tham gia vào các chương trình tập cường độ cao dưới sự hướng dẫn của chuyên gia
  • Người bệnh viêm cơ tim cấp, không nên tập các bài tập cường độ trung bình-cao trong vòng 3-6 tháng đầu. Sau 3-6 tháng cần đánh giá dựa trên hình ảnh học, test gắng sức, holter, nếu bác sĩ đánh giá nguy cơ thấp có thể trở lại tất cả các môn thể thao kể cả thi đấu.
  • Người bệnh HCM cần được phân tầng nguy cơ dựa trên siêu âm tim, MRI tim và CPET, dựa trên nguy cơ để chọn cường độ tập luyện phù hợp
  • Không khuyến nghị tham gia các bài tập thể dục/thể thao giải trí cường độ cao hoặc bất kỳ môn thể thao cạnh tranh nào cho những người có bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp (ARVC), bao gồm cả những người có gen dương tính nhưng chưa có biểu hiện hình thái.

Ngoài ra, để đảm bảo tập luyện an toàn, cần tránh những yếu tố khởi kích (trigger) như:

  • Tập luyện quá sức, căng thẳng, thiếu nghỉ ngơi hợp lý
  • Uống không đủ nước
  • Điều kiện tập luyện khắc nghiệt
  • Các loại thuốc có liên quan SCD, chất kích thích. Cần tham vấn ý kiến bác sĩ và chuyên gia trước khi quyết định sử dụng các loại thuốc trong quá trình tập luyện
ĐỘT TỬ DO TIM Ở VẬN ĐỘNG VIÊN - Hội Y Học Thể Thao
Hình 21: Phối hợp team trong chăm sóc sức khỏe vận động viên. Nguồn: Emery MS, Kovacs RJ. Sudden Cardiac Death in Athletes. JACC: Heart Failure

Việc đánh giá, phân tầng nguy cơ, hướng dẫn tập luyện ở những bệnh nhân có các bệnh liên quan SCD cần được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực y học thể thao, tim mạch, hô hấp, phục hồi chức năng, thăm dò chức năng kinh nghiệm và được đào tạo bài bản.

VIII. KẾT LUẬN:

Tập luyện thể dục thể thao là liều thuốc tự nhiên quý giá giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý, cũng như làm tăng chất lượng cuộc sống. Mặc dù nguy cơ đột tử ở vận động viên cao hơn so với người bình thường cùng độ tuổi, tuy nhiên con số tuyệt đối là không nhiều. Và tình trạng này có khả năng phòng ngừa được nếu:

  • Ở cấp độ cá nhân:
    • Có nhận thức đầy đủ về lợi ích – nguy cơ trong thể thao, về chăm sóc sức khỏe thể thao. Điều trị ổn định các bệnh lý nền nếu có
    • Tập luyện – nghỉ ngơi phù hợp, đảm bảm dinh dưỡng hợp lý
    • Hạn chế đưa bản thân vào các tình huống nguy cơ như tập luyện quá sức, mất nước, môi trường tập luyện khắc nghiệt, và các loại thuốc có khả năng ảnh hưởng đến tim.
    • Tham vấn chuyên gia về sức khỏe thể thao trong những trường hợp cần thiết, để có thể xây dựng chương trình tập luyện phù hợp
  • Ở cấp độ cộng đồng:
    • Cần nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khỏe thể thao
    • Huấn luyện tốt các kĩ năng về sơ cấp cứu ngưng tim cho cả cộng đồng, trang bị AED ở các sự kiện/giải đấu đông người hoặc nguy cơ cao
    • Tầm soát trước tập luyện hợp lý

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • 1.            Peter Libby M, PhD, Robert O. Bonow, MD, MS, Douglas L. Mann, MD, Gordon F. Tomaselli, MD, Deepak L. Bhatt, MD, MPH, FACC, FAHA, FSCAI, FESC, Scott D. Solomon, MD and Eugene Braunwald, MD, MD(Hon), ScD(Hon), FRCP. Braunwald’s Heart Disease. 12th ed. 2021.
  • 2.            Han J, Lalario A, Merro E, et al. Sudden Cardiac Death in Athletes: Facts and Fallacies. J Cardiovasc Dev Dis. Feb 5 2023;10(2)doi:10.3390/jcdd10020068
  • 3.            Thiene G. Autopsy and sudden death. Eur Heart J Suppl. May 2023;25(Suppl C):C118-c129. doi:10.1093/eurheartjsupp/suad014
  • 4.            Corrado D, Zorzi A. Sudden death in athletes. International Journal of Cardiology. 2017/06/15/ 2017;237:67-70. doi:https://doi.org/10.1016/j.ijcard.2017.03.034
  • 5.            Corrado D, Basso C, Rizzoli G, Schiavon M, Thiene G. Does sports activity enhance the risk of sudden death in adolescents and young adults? Journal of the American College of Cardiology. 2003/12/03/ 2003;42(11):1959-1963. doi:https://doi.org/10.1016/j.jacc.2003.03.002
  • 6.            Zipes DL, P ; Bonow, RO et al. Heart Disease: A Textbook of Cardiovascular Medicine. 7th ed. 2004:chap Cardiac arrest and sudden cardiac death.
  • 7.            Corrado D, Basso C, Pavei A, Michieli P, Schiavon M, Thiene G. Trends in sudden cardiovascular death in young competitive athletes after implementation of a preparticipation screening program. Jama. Oct 4 2006;296(13):1593-601. doi:10.1001/jama.296.13.1593
  • 8.            Baggish AL, Weiner RB, Kanayama G, et al. Cardiovascular Toxicity of Illicit Anabolic-Androgenic Steroid Use. Circulation. May 23 2017;135(21):1991-2002. doi:10.1161/circulationaha.116.026945
  • 9.            Fadah K, Gopi G, Lingireddy A, Blumer V, Dewald T, Mentz RJ. Anabolic androgenic steroids and cardiomyopathy: an update. Review. Frontiers in Cardiovascular Medicine. 2023-July-26 2023;10doi:10.3389/fcvm.2023.1214374
  • 10.         Samreen F, Popal U, Qutrio Baloch ZA. Anabolic Steroid-Induced Myocardial Infarction in a Young Male. Cureus. Feb 1 2021;13(2):e13054. doi:10.7759/cureus.13054
  • 11.         Vanberg P, Atar D. Androgenic anabolic steroid abuse and the cardiovascular system. Handb Exp Pharmacol. 2010;(195):411-57. doi:10.1007/978-3-540-79088-4_18
  • 12.         Karam N, Pechmajou L, Narayanan K, et al. Evolution of Incidence, Management, and Outcomes Over Time in Sports-Related Sudden Cardiac Arrest. Journal of the American College of Cardiology. 2022/01/25 2022;79(3):238-246. doi:10.1016/j.jacc.2021.11.011
  • 13.         Michelland L, Murad MH, Bougouin W, et al. Association between basic life support and survival in sports-related sudden cardiac arrest: a meta-analysis. Eur Heart J. Jan 14 2023;44(3):180-192. doi:10.1093/eurheartj/ehac586
  • 14.         Corrado D, Pelliccia A, Basso C, Zorzi A. Screening professional athletes for cardiovascular diseases at risk of cardiac arrest. Eur Heart J. Jan 31 2022;43(4):251-254. doi:10.1093/eurheartj/ehab440
  • 15.         Maron BJ. How should we screen competitive athletes for cardiovascular disease? European Heart Journal. 2005;26(5):428-430. doi:10.1093/eurheartj/ehi154
  • 16.         Malhotra A, Dhutia H, Finocchiaro G, et al. Outcomes of Cardiac Screening in Adolescent Soccer Players. New England Journal of Medicine. 2018/08/09 2018;379(6):524-534. doi:10.1056/NEJMoa1714719
  • 17.         Sarto P, Zorzi A, Merlo L, et al. Value of screening for the risk of sudden cardiac death in young competitive athletes. Eur Heart J. Mar 21 2023;44(12):1084-1092. doi:10.1093/eurheartj/ehad017
  • 18.         Emery MS, Kovacs RJ. Sudden Cardiac Death in Athletes. JACC: Heart Failure. 2018/01/01/ 2018;6(1):30-40. doi:https://doi.org/10.1016/j.jchf.2017.07.014
  • 19.         Heidbuchel H, Arbelo E, D’Ascenzi F, et al. Recommendations for participation in leisure-time physical activity and competitive sports of patients with arrhythmias and potentially arrhythmogenic conditions. Part 2: ventricular arrhythmias, channelopathies, and implantable defibrillators. Europace. Jan 27 2021;23(1):147-148. doi:10.1093/europace/euaa106
  • 20.         Pelliccia A, Sharma S, Gati S, et al. 2020 ESC Guidelines on sports cardiology and exercise in patients with cardiovascular disease. Eur Heart J. Jan 1 2021;42(1):17-96. doi:10.1093/eurheartj/ehaa605
  • 21.         Pelliccia A, Solberg EE, Papadakis M, et al. Recommendations for participation in competitive and leisure time sport in athletes with cardiomyopathies, myocarditis, and pericarditis: position statement of the Sport Cardiology Section of the European Association of Preventive Cardiology (EAPC). Eur Heart J. Jan 1 2019;40(1):19-33. doi:10.1093/eurheartj/ehy730

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *