Chúng ta có lẽ đã trở nên quen thuộc với khái niệm “áp dụng tư thế đúng trong sinh hoạt” nhằm phòng tránh các vấn đề về cơ xương khớp, bởi cùng với sự phát triển xã hội, khả năng nhận thức các nguy cơ trong quá trình lao động được nâng cao khiến cho nhu cầu bảo vệ sức khỏe trở nên cấp thiết. Từ đó tạo động lực cho sự phát triển ngành khoa học thiết kế ứng dụng “Công thái học”, nhằm chế tạo nên những thiết bị và công cụ lao động ngày càng thân thiện với cơ thể người. Công thái học là lĩnh vực nghiên cứu cách thức cải thiện hiệu quả làm việc trong khi tối thiểu các nguy cơ chấn thương – tai nạn cho con người trong môi trường lao động.
THẾ NÀO LÀ CÔNG THÁI HỌC?
Ngày nay, cụm từ “công thái học” hay “ergonomic” (tiếng Anh) đang trở nên phổ biến trong đại chúng. Công thái học là phương thức cải thiện tính tương hợp giữa cơ thể (body) và các hoạt động (activity) trong đời sống, kết quả làm tăng tính thoải mái và hiệu quả của các hoạt động đó.
Theo đó công thái học không chỉ là khái niệm sử dụng trong công việc, mà còn có thể áp dụng vào mọi mặt của cuộc sống. Áp dụng các nguyên tắc công thái học giúp tối thiểu các áp lực vật lý lên cơ thể trong quá trình sinh hoạt.
TẠI SAO CẦN QUAN TÂM?
Nếu không áp dụng công thái học, các hoạt động bạn đang thực hiện theo thời gian sẽ dẫn đến các bệnh lý cơ xương khớp. Bệnh cơ xương khớp có thể cấp tính sau một chấn thương thấy rõ, hoặc là hệ quả mạn tính sau nhiều năm tháng tích lũy các vi chấn thương lặp đi lặp lại khi cơ thể quá tải. Nếu bạn đang khỏe mạnh, không có nghĩa là bạn an toàn. Áp dụng công thái học giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc nhiều bệnh lý đau mạn tính.
3 BƯỚC ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC:
Để dễ bắt đầu việc nhận diện các nguy cơ và tìm kiếm giải pháp, hãy tìm kiếm trợ giúp từ cấp trên hoặc người hướng dẫn của mình. Nếu bạn đang có các triệu chứng của bệnh xương khớp tốt nhất nên tham vấn bác sĩ, không chỉ hỏi vấn đề sức khỏe hiện tại mà còn về biện pháp phòng ngừa. Và bạn có thể tự quan sát phát hiện nguy cơ mà mình đang phơi nhiễm thông qua xem xét các yếu tố sau:
- Tư thế – posture: cúi, xoay, với, rướng hoặc một tư thế quá lâu là các nguy cơ
- Môi trường – environment: gồm mọi thứ bao quanh bạn khi làm việc (nhiệt độ, không khí, âm thanh, ánh sáng…).
- Cường độ làm:
- Lực – force: lực phải sử dụng khi lao động càng lớn càng đặt gánh nặng lên cơ thể.
- Tính lặp lại – repetition: động tác lặp đi lặp lại càng nhiều càng làm mệt cơ.
- Thời lượng làm – duration: lượng thời gian phơi nhiễm với yếu tố nguy cơ.
- Thời gian nghỉ ngơi – recovery time: càng ngắn càng tăng nguy cơ.
- Nguy cơ sức khỏe khác không liên quan vận động: hút thuốc lá, tiểu đường, bệnh hô hấp….
Thông thường chỉ cần cải thiện tư thế cơ thể và sắp xếp nơi làm việc là đã giảm thiểu được phần lớn nguy cơ. Quan trọng nhất vẫn là “tinh thần sẵn sàng tiếp thu cái mới và chấp nhận thay đổi”.
Trên đây là những nội dung cơ bản giúp bạn dễ làm quen với khái niệm công thái học. Mong là bài viết đã phần nào giải đáp thắc mắc của bạn về lĩnh vực này.Những nội dung cụ thể dễ áp dụng hơn như: thế nào là tư thế đúng, các mẹo chỉnh tư thế hay mẹo sắp xếp khu vực làm việc một cách khoa học tôi sẽ trình bày trong bài khác.