ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG – Hội Y Học Thể Thao

Công thái học là một lĩnh vực nghiên cứu về con người trong môi trường làm việc. Thuật ngữ “ergonomic” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “ergo” – lao động, công việc (work) và “nomos” – quy luật (statutes) hoặc economics (tiếng Anh) – kinh tế. Đúng như tên gọi của nó, công thái học đưa ra những quy tắc trong lao động giúp con người làm việc hiệu quả, thoải mái và lâu dài hơn.

Quý độc giả nên đọc về khái niệm cơ bản và nguyên tắc áp dụng công thái học đã được đề cập trong bài trước, vì bài này sẽ chỉ tập trung trình bày những hành động cụ thể mà quý độc giả có thể thực hiện.

THẾ NÀO LÀ TƯ THẾ ĐÚNG

Cơ thể có trạng thái thoải mái nhất khi ở tư thế trung tính. Tư thế trung tính khi đầu thẳng, tai, vai và hông thẳng hàng, hai vai ngang nhau, cánh tay sát với thân mình. Tư thế càng đúng khi càng gần tư thế này, cơ thể sẽ được thư giãn trong lúc bạn vẫn đang làm việc.

ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 1: Tư thế là trung tính khi tai – vai – hông thẳng hàng, lúc đứng thì trùng với trục của chân.

Để duy trì tốt tư thế bạn nên làm việc trong tầm với của mình (thường trong bán kính #35-45cm tính từ thân người, tùy vào kích thước cơ thể). Không để “khóa khớp” khi lấy đồ vật, khi nhấc hoặc khiêng đồ vật thì đồ vật càng sát thân mình càng tốt. Tránh rướn tay quá đầu hoặc với ra sau lưng. 

ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 2: Nên luôn làm việc trong tầm với dù là ở nhà hay ở cơ quan.
ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 3: Cách nhấc đồ đúng (áo xanh lá) áp dụng công thái học và sai (áo đỏ) dễ mắc các vấn đề về cột sống.

 10 mẹo nhỏ để có tư thế đúng:

  1. Luôn làm việc một cách trực diện. Nếu phải đổi hướng khác hãy xoay cả cơ thể đồng trục.
  2. Vị trí làm việc phù hợp, không phải rướng hoặc khom để lấy đồ. Không gian đủ rộng cho cẳng tay hoạt động thoải mái.
  3. Nếu có thể, nên cầm nắm dụng cụ bằng cả bàn tay.
  4. Bàn chân phải luôn phẳng (không nhón) khi ngồi, bạn có thể chỉnh chiều cao của ghế hoặc kê chân với bục hoặc ghế nhỏ.
  5. Nếu làm công việc phải đứng lâu, bạn nên trụ chân luân phiên với bục kê chân để giảm tải cho lưng.
  6. Hãy dọn sạch các vật cản trước khi bắt đầu công việc.
  7. Ánh sáng nơi làm việc phải đủ cường độ và có vị trí phù hợp để không phải xoay trở khi nhìn.
  8. Dùng thiết bị phóng đại (kính lúp) khi công việc phải thao tác các chi tiết nhỏ.
  9. Thay đổi đồ vật, không thay đổi cơ thể. 
  10. Giữ thẳng cổ tay, tránh vặn, nghiêng, gập duỗi cổ tay quá mức/quá lâu.
ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 4: Áp dụng công thái học tối ưu với công việc ngồi lâu, thao tác chi tiết nhỏ: tư thế trung tính (tai – vai – hông thẳng hàng), bàn chân phẳng trên bục, có kính lúp khi cần, nguồn sáng ở vị trí phù hợp, giá đỡ giúp giữ thẳng cổ tay… 

TRANG BỊ ĐẦY ĐỦ VÀ DỤNG CỤ HỖ TRỢ PHÙ HỢP

Một khi đã có được tư thế làm việc tốt (trung tính), bố trí những trang thiết bị phù hợp ở nơi làm việc sẽ giúp bạn duy trì tư thế đúng lâu hơn. Lựa chọn dụng cụ sao cho giảm tối đa lực và số lần lặp lại cho công việc đó. Tay cầm công cụ nên dài bằng chiều dài bàn tay, tránh áp lực đè lên lòng bàn tay. Nên nhớ luôn luôn dùng đồ bảo hộ khi cần thiết (ví dụ, đeo kính với công việc có nguy cơ văng, dính dịch hoặc mảnh vụ; bịt tai khi công việc nhiều tiếng ồn; bao tay khi dùng các công cụ giật mạnh như máy khoan…), nếu được nơi sử dụng lao động phát cho, đừng ngại trao đổi với cấp trên nếu nó không vừa vặn.

Một số lưu ý cho trang thiết bị:

1. Dùng công cụ có đối trọng giúp tăng độ linh hoạt và giảm lực phải sử dụng.

2. Chọn dụng cụ:

  • Có bọc tay cầm mềm.
  • Có độ cong hoặc gập góc để giữ cổ tay thẳng.
  • Chu vi tay cầm vừa với bàn tay.
  • Tay cầm kéo hoặc kềm nên có lò xo, độ rộng giữa hai cán vừa phải tránh để bàn tay phải banh rộng khi cầm.

3. Chiều cao bàn làm việc phù hợp:

  • Đa số công việc: mặt bàn ngang với khuỷu tay.
  • Công việc cần độ chính xác: mặt bàn hơi cao hơn khuỷu, trang bị thêm giá đỡ nên cần.
  • Công việc cần dùng lực (vd: chặt thịt, làm bếp, làm mộc..): mặt bàn hơi thấp hơn khuỷu.

4. Nên có tấm lót sàn đàn hồi giúp hấp thụ lực tải cho công việc phải đứng lâu nhằm phòng tránh các bệnh lý chi dưới như thoái hóa khớp gối, viêm gân gót, viêm cân gan chân…

ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 5: Trang bị phù hợp: dụng cụ có đối trọng, chiều cao bàn làm việc phù hợp công việc phải dùng lực nhiều, có bục kê chân, có tấm lót chân hấp thụ lực, đồ bảo hộ phù hợp (kính mắt, bao tay…).

Thế kỷ 21 – thời đại của công nghệ thông tin, máy tính trở thành công cụ đa năng nhất từ xưa đến nay, từ làm việc đến giải trí, báo cáo gần nhất cho thấy người Mỹ trung bình dành đến 11 tiếng trước màn hình, Việt Nam chúng ta có lẽ không ít hơn bao nhiêu. Vậy chúng ta nên bố trí công cụ này theo các nguyên tắc của công thái học thế nào?

Ngồi máy tính đúng:

  1. Để giữ tư thế trung tính khi ngồi, nên trang bị ghế có thể điều chỉnh chiều cao, phần lưng ghế có đoạn “eo” lồi ra trước hỗ trợ cột sống thắt lưng. Ngoài ra còn các yếu tố đã nói như chiều cao mặt bàn ngang với khuỷu, bục kê chân để gối và háng gấp vuông góc.
  2. Che/đổi hướng các ánh sáng trực tiếp vào mắt (ví dụ, đèn led trạng thái của CPU, của màn hình).
  3. Màn hình máy tính cách thân mình một cánh tay, cạnh trên màn hình ngang với mắt.
  4. Nâng hạ bàn phím sao cho cổ tay thẳng (lúc điều chỉnh các ngón tay phải ở hàng giữa của bàn phím).
  5. Chọn chuột máy tính có vòm cao nâng đỡ lòng bàn tay.
ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 6: Tư thế ngồi làm việc máy tính đúng. 
ÁP DỤNG CÔNG THÁI HỌC DỄ DÀNG - Hội Y Học Thể Thao
Hình 7: Cách cầm chuột máy tính đúng.

Trên đây là những ứng dụng đơn giản công thái học vài đời sống, mong rằng đã giúp quý độc giả phần nào cải thiện hiệu quả công việc và chất lượng sống. Cảm ơn đã theo dõi! 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *