Võ cổ truyền Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam

Chúng ta đều biết nước mình có môn võ cổ truyền gọi là võ ta, võ dân tộc, võ Việt Nam… Nhưng hầu như ít ai biết rõ võ đó như thế nào. Sở dĩ có điều này là vì từ rất lâu đến nay bản thân môn võ này không có được một tổ chức, và cũng không ai nghiên cứu. Võ cổ truyền ngày càng bị chìm sâu vào quên lãng nên dễ dẫn đến nhiều quan niệm sai lệch. Thí dụ trước đây có quan niệm chia võ Ta ra làm hai phái: võ Kinh và võ lâm. Theo đó võ Kinh là môn võ có bài bản hoàn chỉnh dùng để dự các kỳ thi võ ở kinh đô hồi xưa; còn võ lâm là môn võ của giới lục lâm giang hồ, không bài bản nhưng gồm những thế tiểu xảo, nguy hiểm. Hiểu như thế này có thể do lầm chữ võ Kinh được dùng ngày xưa thực ra không phải là môn võ mà là cách dùng binh (binh pháp) mà phải chịu khảo hạch ở kỳ thì Hương, thi Hội sau khi đã thì xong phần võ thuật; đây cũng là môn thi chính ở kỳ thi Đình nhưng thi viết chứ không hỏi miệng để lấy bằng tiến sĩ võ. Nếu đúng như thế thì có sự hiểu lầm rất xa và có lẽ phát xuất từ phần đông người học võ thường giới hạn về học chữ và võ nghệ thường được dùng trong giới lục lâm giang hồ. Gần đây người ta lại có khuynh hướng theo địa danh như võ Bình Định (tỉnh Bình Định ngày nay và là tỉnh Nghĩa Bình ngày xưa), võ Tân Khánh (một xã ở Lái Thiêu nay là huyện Thận An, tỉnh Sông Bé cũ nay là tỉnh Bình Dương), võ Thất Sơn,….cho thấy sự thu hẹp lại. Trong đó đặc biệt là võ Bình Định được xem là tiêu biểu của võ cổ truyền. Nói đến võ cổ truyền người ta nghĩ ngay đến võ Bình Định mà không biết ở Bình Định cũng có các môn phái luyện tập khác nhau, kể cả võ Ta và võ Tàu.
Ngay vì chúng ta còn chưa hiểu võ của nước ta nên ngược với lòng tự hào của chúng ta về lịch sử lâu dài được xây dựng bởi nhưng chiến công oanh liệt, bên ngoài không ai biết nước ta có nền võ thuật lâu đời, độc đáo. Các quyển sách lớn nghiên cứu về võ thuật ở Á châu như quyển Asian fighting arts (Võ thuật Á châu) của hai võ sư chuyên nghiệp chuyên nghiên cứu võ thuật Á châu là Donn Draeger và R.W. Smith xuấn bản lần đầu năm 1969 ở Nhật đề có nói đến võ Thái Lan (dù trong lịch sử bao nhiêu lần họ bị nước ta đánh bại), và cả võ Miến Điện (Bando), Mã lai (Bersilat), Nam Dương (Penjak-silat), Philippines (Arnis)…nhưng không nói đến võ Việt Nam. Do đó để phù hợp với lòng tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc, chắc chắn chúng ta phải làm sống lại nền võ thuật cổ truyền đã từng chứng minh giá trị qua hàng ngàn năm lịch sử. Đó là cả một công trình lớn. Nhưng ý kiến sau đây chỉ là góp nhặt ban đầu nhăm tạo tiền đề.

môn võ cổ truyền hay không?

Đặc điểm của lịch sử nước ta là gắn liền với những cuộc chiến tranh liên tục để giữ nước và dựng nước. Nói đến lịch sử 4000 năm điểm chiếu sáng nhất vẫn là những chiến công oanh liệt của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… trong thời kỳ chiến tranh thô sơ. Một dân tộc có một lịch sử bất khuất như thế tất phải có một tinh thần thượng võ và phải có một nên võ thuật lâu đời.
Theo các sách sử, thì rất lâu nước ta đã tổ chức huấn luyện dân chúng học võ để tham gia chiến đấu các giai đoạn chiến tranh giữ nước, ở kinh đô có trường dạy võ và có các kỳ thi võ được tổ chức hoàn chỉnh.
Ngay từ thời nhà Lý (thế kỷ thứ XI đến XIII) để chống lại quân xâm lăng nhà Tống, nước ta đã có tổ chức Bảo Giáp tức là phép lấy dân làm lính. Một bảo gồm 10 nhà, 500 nhà hợp thành một đô bảo, Mỗi bảo có đắt 2 người chánh, phó để dạy dân luyện tập võ nghệ. Nhờ thế mà thời kỳ này nền võ bị nước ta rất nổi tiếng. Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh chiếm châu Khâm, châu Liêm, châu Ung (thuộc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc); và sau này khi bị Nùng Trí Cao đánh chiếm phía Nam, nhà Tổng đã định sang nhờ quân ta dẹp giúp.
Sang đời Trần, ngay đời vua Trần Thái Tôn (1225-1228) đã lập Giảng Võ Đường kinh đô để dạy võ thuật, tất cả dân trang trong nước đều phải tập võ nhờ thế mà quân Mông Cổ tràn sang, nước ta đã có ngay hơn 20 vạn quân để chống giặc. Cũng trong thời kỳ này Trần Hưng Đạo soạn sách Binh Thư Yếu Lược mang đặc thù nghệ thuật dùng binh của nước ta.
Sau đó, ngay trong thời kỳ thịnh trị của nước ta là đời vua Lê Thánh Tôn (1460 – 1496), nhà vua rất chú trọng việc võ bị. Nhà vua đặt ra các điều quân lệnh về tập bộ trận, mã trận, thủy trận, tượng trận, và lệ cứ 3 năm tổ chức một kỹ thi võ, ai đậu thì thưởng, ai hỏng thị phạt để mọi người hăng hái luyện tập.
Sang đến thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Trịnh Lương mở trường học võ và đặt quan giáo thụ để dạy cho con cháu các quan vào học. Mùa xuân và thu thì học võ thuật. Mùa đông và hạ thì học võ kinh (binh pháp). Cứ 3 năm tổ chức thi võ, gồm các môn: Bắn cung, múa giáo, múa gươm, phi ngựa bắn cung, chạy bộ bắn cung, sau cùng là hỏi về võ kinh. Năm 1740 Trịnh Doanh lập võ miếu thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Đến đời nhà Nguyễn, việc tổ chức thi võ đã hoàn chỉnh. Khoa thi võ đầu tiên mở vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837), có 3 trường thi: Thừa Thiên, Hà Nội, Thanh Hóa. Đến năm Thiệu Trị thứ 5 (1846) ấn định lại thi hương (lấy võ tú tài, võ cử nhân) vào các năm tý, ngọ, mẹo, dậu; thi hội (lấy võ phó bảng) vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Còn thi Đình (lấy võ tiến sĩ) thi tổ chức ngay sau khi thi hội.
Về các môn thi gồm có xách tạ, múa côn – sang, và bắn súng hiệp.

Thi Hương:

– Xách tạ: quả tạ đúc bằng chì nặng cỡ 36 kg. Thí sinh phải xách hoặc 2 tay hai quả và đi ít nhất 32m, hoặc chỉ xác 1 quả nhưng đi ít nhất 64m mới được kể hạng thứ. Nếu dưới thì bị loại. Thí sinh nào đi được ít nhất 48m (cho 2 quả tạ) hoặc 96m (cho 1 quả tạ) được kể là hạng bình. Nếu đi hơn 64m hoặc 128m thì được kể là hạng ưu
– Múa côn: cây côn nặng cỡ 25kg, Thí sinh cầm khoảng 1/3, vừa đi vừa múa, được ngoài 240, thì là hạng ưu, ngoài 200m là hạng bình, ngoại 160m là hạng thứ. Nếu dưới thị bị loại.
Múa sang: sang là ngọn giáo dài. Thí sinh cầm ngon sang múa độ 3-4 bước, xong chạy tới đâm vào rốn một hình nộm ở cách xa độ 12m. Nếu đâm trúng và xuyên qua hình nộm là hạng ưu. Nếu đâm trúng nhưng mũi sang không xuyên qua là hạng bình. Đâm trúng nhưng nhẹ là hạng thứ. Đâm không trúng là bị loại.
Bắn súng hiệp: thí sinh đứng cách xa khoảng 80m và bắn 6 phát sung. Nếu 2 phát trúng đích, 1 phát trúng vành tròn , 3 phát trúng ụ đất là hạng ưu. Nếu trúng đích 1 phát, 1 phát trúng vành tròn, 4 phát trúng ụ đất là hạng bình. Nếu 2 phát trung vành tròn, 4 phát trúng ụ đất là hạng thứ. Dưới thì bị loại.
Qua 3 môn thi trên, nếu ai có ưu, bình được đậu cử nhân; ai chỉ toàn hạng thứ thì đỗ tú tài.

Thi Hội:

Chỉ các thí sinh trúng tuyển Cử nhân ở thi Hương mới được vào thi Hội. Thi Hội cũng gồm các môn như thi Hương nhưng ở mức cao hơn: Quả tạ nặng 39 kg thay vì 36 kg và đi tối thiểu 80m thay vì 64m. Ngọn côn và ngọn sang cũng nặng hơn. Hình nộm và bia súng hiệp cũng xa hơn. Sau đó phải trả lời bặng miệng một số câu hỏi về võ kinh (cách dùng binh). Thí sinh đậu đủ các môn được vào tiếp thi Đình.

Thi Đình:

Thi đình gồm 1 bài thi về võ kinh (cách bài binh bố trận) và một vài câu hỏi về cách dùng binh của các vị danh tướng đời xưa, về thời sự. Đây là kỳ thi viết nên các thí sinh đã đậu thi Hội nhưng văn hóa kém sẽ không dự thị được. Hội đồng giám khảo dưới quyền của chủ tọa của Nhà vua xét văn lý để định.
Thi sinh đỗ thi Đình được gọi là Tiến sĩ, cũng được vua ban áo mũ vinh quy bái tổ như Tiến sĩ văn. Còn thí sinh đỗ thi Hội nhưng không tiếp tục thi Đình, hoặc không đỗ thi Đình gọi là Phó Bảng.
Các môn thi cũng thay đổi theo từng thời đại. Thí dụ đời vua Minh Mạng thi Hương và thi Hội còn có thi đánh quyền và đấu gươm-mộc. Đấu gươm-mộc là 2 bên cầm lăn khiên (mộc che) và gươm đấu với nhau. Đời Thiệu Trị không có 2 môn thi này. Đến đời Tự Đức lại cũng khác. Theo tác giá Tiên Đàm đăng trong báo Tri Tân số 5 ra ngoài 1.7.1941 kể lại kỳ thi Đình năm Canh Thìn (1880) tổ chức tại Huế. Các môn thi gồm có:
– Thập bát ban võ nghệ: Phải đi đủ 18 thứ binh khí, dùng binh khi thật; sai một bài cũng bị đánh hỏng.
– Đấu quyền: thí sinh phải đấu với 5 người lính ngự lâm do quan trường quyền tuyển ra. Phải đấu cho kỳ thắng được 3 người mới có ưu-bình; chỉ thẳng được hai: hỏng! Những lính ngự lâm mà thua các thí sinh thì phải phạt lương trong 9 tháng. Vì thế họ đều hết sức trổ tài ra đấu.
– Đấu roi, đấu côn: cũng đấu với 5 người lính ngự lâm như trên.
Sau 3 kỳ này, thí sinh thiện dụng binh khí nào thì dùng thứ ấy ra đấu với 5 người lính ngự lâm: tháng 3 mới đỗ.
Qua các môn thi trên là trời sầm tối. Nhà vua có ban yến. Ăn xong, các thí sinh vào kỳ đối sách. Mỗi thí sinh phải làm một đầu bài hỏi về võ kinh. Đối sách xong, lại phải sát hạch lại bằng cách thi bắn. Mỗi người phải bắn 9 phát, phải trúng đích ít ra 3 phát. Kỳ thi sau chót này gọi là phúc hạch cữu phục đề phòng kẻ thi gian lận.
Qua các dữ kiện lịch sử kể trên cho thấy từ rất lâu, ít nhất là từ thế kỷ thứ X đời nhà Lý, nước ta đã có một nền võ thuật được truyền bá rộng rãi trong dân chúng nhằm tạo sức mạnh toàn dân chống lại bọn xâm lược phương Bắc. Nền võ học này (gồm võ thuật và võ khí) được kế thừa liên tục qua các triều đại cho đến đầu thế kỷ XIX, khi nước ta bị Pháp xâm chiếm. Chế độ thực dân đã ra lệnh cấm dân chúng tập võ vì sợ đây là võ khí giúp dân ta chống lại chúng. Sự cấm đoán kéo dài gần ngót một thế kỷ này đã làm nền võ thuật cổ chuyền nước ta bị thất truyền, mất mát lớn. Do đó chúng ta ngày nay có trách nhiệm phải khôi phục lại gia sản này của tổ tiên đã truyền lại bao đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *