THẦN QUYỀN, MÔN VÕ HUYỀN BÍ?
Thần quyền hay võ thần, võ bùa, võ năm ông, là một môn “ võ” có tính huyền bí, từ lâu đã được truyền bá trong dân gian Việt Nam.
Cách thức thu nhận và truyền dạy môn sinh của Thần quyền, theo khẩu truyền, cũng tương đối đơn giản: sau khi làm lễ nhập môn với nghi thức thề nguyền độc địa trước bàn thờ tổ với đầy đủ những lễ vật theo qui định, môn sinh sẽ được thầy dạy “ võ bùa” bằng hình thức uống một hay nhiều ly nước đặt trên bàn thờ tổ đã được ông thầy : phán bùa” ( tức dùng tay cầm nhang đang nghi ngút khói vẽ trong không gian những hình ảnh nhất định, gọi là “ chữ bùa”) hoặc nuốt trọng những mảnh giấy vàng hay đỏ có vẽ ngoằn ngoè các “ chữ bùa”, và cuối cùng là ông thầy Thần quyền sẽ truyền cho môn sinh như câu “ chú” ( thường là âm khmer) để môn sinh dành làm “kinh nhựt tụng”, nghĩa là đọc mỗi ngày bao nhiêu lần theo đúng lời dặn của ông thầy, để đến một thời điểm nhất định nào đó thì môn sinh sẽ sử dụng được khả năng Thần quyền! Ngoài ra ông thầy cũng không quên căn dặn môn sinh một số việc kiêng kỵ, như : không chun qua xà quần áo, không ăn thịt trâu v..v….
Nói chung, việc học tập môn thần quyền hầu như chỉ có thế, khoảng một tuần lễ cho đến nửa tháng là sử dụng được rồi! Khi va chạm thực tế, người ta nói rằng, môn sinh thần quyền chỉ cần đọc lại câu chú đúng như lời thầy truyền dạy tức thì thần sẽ “nhập” ngay vào môn sinh và giúp cho môn sinh có khả năng vô song : bị đánh, đá vào người mà không biết đau, và khi đánh trả đối phương sẽ có sức mạnh kinh hồn, khó có đối phương nào đỡ nổi!
Sự thật như thế nào?
Trong khi tất cả môn võ đang phổ biến đều có chung một công thức huấn luyện là tạo cho những thế võ trở thành các phản ứng tự nhiên của người tập, với thời gian thành đạt ở mức sơ cấp tối thiểu từ sáu tháng đến một năm, mà Thần quyền chỉ cần đọc thuộc mấy câu “ chú” trong vòng năm mười bữa, nửa tháng thì sử dụng được “ võ thần” thì thật là điều khó có thể tin được. Thật ra, việc tin rằng “Thần quyền có thật” cứ ám ảnh trong tâm trí những người nhẹ dạ cả tin ngày này qua tháng nọ trở thành “tự kỷ ám thị”, tức là trở thành một niềm tin thực sự! Khi đụng chuyện, niềm tin đó khiến cho những người này quên mất bản thân mình đi, mà tin rằng Thần đang ngự trị trong cơ thề họ, cho nên từ sự chịu đựng đòn tấn công của đối phương cho đến sự dũng mãnh trong khi ra đòn của họ được vận dụng với sức tối đa, khác thường! Tuy nhiên, nếu những này bị trúng đòn đau chí tử vào các nhược điểm trên cơ thể, họ sẽ thức tỉnh ngay, bởi chính cơ thể họ bị trúng đòn chứ không phải thần thánh nào khác… Một số nhà triết học gọi hiện tượng như vậy là “thái độ nguỵ tín”, tức là thái độ tin vào một việc giả tạo, không thực tế!
Phải chăng Thần quyền chỉ là một dạng mê tín? Và chính dạng mê tín này đã mê hoặc được những người “nhẹ dạ, cả tin” trở thành môn đồ, vô tình giúp các ông thầy dạy Thần quyền “ hốt bạc” và càng đi xa với đời sống chân chính của võ thuật Việt Nam.
Thần Quyền có thật không?
Chúng tôi chỉ xin kể 2 trường hợp về việc đụng độ giữa môn phái của chúng tôi với môn phái Thần Quyền. Và kết luận của chúng tôi chủ yếu là kết luận đối với 2 trường hợp Thần Quyền mà chúng tôi đã đụng độ như sau.
Trường hợp thứ nhất xảy ra trước ngày 30/4/1975, khi chúng tôi ở trọ tại khu vực Xóm Lao Động trong hẻm 169 đường Dương Công Trừng, nay là đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, một người học trò của tôi tên là Hoàng đã thi đấu đối kháng với một đối thủ học Thần Quyền có biệt danh là “Đắc Kỷ” đến giao hữu với môn phái của chúng tôi. Trận đấu diễn ra đúng như một trận đấu võ đài, gồm cả thảy 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Phải nói rằng sức chịu đòn của Đắc Kỷ khá tốt, tuy bị Hoàng liên tục khai thác đòn giật gối đánh rất mạnh vào hai bên sườn, nhưng Đắc Kỷ vẫn chịu đựng… ăn đòn suốt 3 hiệp, để cuối cùng chỉ bị thua điểm mà thôi! Tuy nhiên, sau đó, Đắc Kỷ đã phải nằm liệt giường suốt hơn nửa tháng, để uống thuốc trật đả hoàn trị nội thương do những đòn đánh đầu gối của Hoàng.
Trường hợp thứ hai xảy ra với anh Nguyễn Văn Giàu, một đồng môn của chúng tôi, mở võ đường dạy võ mang tên Ngọc Hổ ở xã Tân Phú Trung (thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) vào những năm 1980. Một thanh niên học Thần Quyền đã đến xin đấu giao hữu với học trò anh Giàu. Tuy là một võ sinh kh1, nhưng do chỉ mới học 3 tháng, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nên em này đã nhanh chóng bị thanh niên Thần Quyền đánh hạ. Người thanh niên học Thần Quyền hống hách hỏi anh Giàu: “Còn ai khá hơn nữa không anh?”. Anh Giàu điềm đạm trả lời: “Chỉ còn qua (đồng nghĩa với từ tôi) thôi! Nếu em cần thì qua hầu em”. Người thanh niên học Thần Quyền chấp nhập giao đầu với anh Giàu và cũng đã bị anh Giàu nhanh chóng hạ gục bằng một đòn cùi chỏ đánh rách cả chân mày, máu tuôn xối xả… Kết cục, người thanh niên học Thần Quyền ôm đầu máu mà chạy biến đi, không dám quay đầu nhìn lại.
Qua đó để thầy rằng người học và tin vào Thần Quyền, sau khi đọc thần chú, họ tin rằng thần đã nhập vào cơ thể mình. Cho nên lúc đó, nếu chỉ bị trúng đòn mà không gây sát thương, đổ máu, thì người học Thần Quyền gần như không bị hề hấn gì! Tuy nhiên, với những người có kinh nghiệm thi đấu đối kháng, chỉ cần tung một đòn chí tử vào chỗ nhược trên cơ thể (tức huyệt đạo) của người học Thần Quyền thì mới mong hạ thủ được vậy!
Trích từ sách “Tìm hiểu võ thuật Việt Nam” của Tiến Sĩ – Võ Sư Hồ Tường, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2010, tại thành phố Hồ Chí Minh.