ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Đấu vật là một môn thể thao rất phổ biến ở Hội Xuân miền Bắc và miền Trung. Có nơi đấu vật là một tiết mục, có nơi đấu vật là toàn bộ nội dung của hội làng. Mục đích của hội vật là gầy dựng phong trào khoẻ mạnh để giữ làng, giữ nước. Do đó, dần dần đấu vật trở nên một môn thể thao truyền thống mang tinh thần thượng võ cao, cũng hấp dẫn như đấu võ, đấu kiếm, đấu côn, đua thuyền … Những hội làng có truyền thống tổ chức đấu vật nổi tiếng như: Liễu Đôi ( Hà Nam), Mai Động ( Hà Nội ), Đồng Kỵ ( Bắc Ninh), Làng Sình ( xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh thừa Thiên Huế)….
Đấu vật là một hoạt động chiến đấu bằng mưu trí và thể lực của hai nam đấu thủ thi tài qua hoạt động ôm vật nhau. Đấu vật còn gọi là đánh vật và chọi vật. Đấu vật là một thể loại của võ truyền thống hiển diện trên đất nước ta rất sớm. Từ thời Hai Bà Trưng tức khoảng thế kỷ thế nhất sau Công nguyên, trãi qua các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, đấu vật chẳng những phổ biến trong nhân dân mà còn sử dụng trong các kỳ thi võ tuyển lựa nhân tài ra giúp nước.

\"ĐẤU ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Nơi diễn ra trận đấu vật thường là một cái sân rộng, một bãi cỏ mịn hoặc là một bãi đất bằng phẳng, hình vuông mỗi cạnh 10 m, ở trước sân đình làng, được gọi là “sới” vật. Phạm vi thi đấu chính thức là một vòng tròn đường kính 9 m nằm lọt lòng bên trong sới vật, cách mỗi cạnh chừng 1 m. Ngày nay, nhiều nơi thực hiện sới vật hiện đại hơn, với mạt cưa bỏ vào một bệ xây cao chừng nửa thứơc và trên mặt có phủ tấm bạt căng phẳng, với kính thước như đã được quy định. Nếu cuộc đấu diễn ra tại sân đình thì Ban giám khảo ngồi trên bàn ghế nơi mái hiên đình để quan sát. Ngoài ban giam khảo còn có hai người theo dõi trên sân vật: một người đánh trống, một người phất cờ. Trong đấu vật, tiếng trống rất quan trọng, đó là hiệu lệnh của toàn bộ chương trình thi đấu. Ba tiếng trống thong thả là hiệu lệnh gọi vật. Ba tiếng trống liền tay là thúc dục hai đấu thủ nhanh chóng ra tay phân tài cao thấp. Giữa lúc quang cảnh người xem lộn xộn, ồn ào làm rối thì người đánh trống gõ vào tang trống thành từng hai tiếng một để cảnh báo cho trương tuần trong làng xuất hiện tái lập lại trật tự. Còn gõ vào tang trống một hồi dài là báo hiệu kết thúc keo vật ( trận đấu ).

\"ĐẤU ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Những võ sĩ đấu vật thường được gọi là đô vật. Những đô vật nổi tiếng hay bậc thầy dạy nổi tiếng xưa kia được tôn làm “ Trạng Vật”. Nhiều nơi có “ Lò” dạy hẳn hoi. Một số lò vật nổi tiếng xưa nay ở Hà Nội như: Mễ Trì (Từ Liêm), Thuỵ Lâm (Đông Anh), Mai Động (Hai Bà Trưng), Quỳnh Đô (Thanh Trì)… Các võ sĩ đấu vật chỉ cần mặc đơn giản một cái khố màu đóng vào người cho gọn gàng. Ngày nay, họ chỉ cần mặc một cái quần đùi bó chẽn, thân trần, đầu trần hoặc cũng có thể quấn khăn đầu rìu. Cái khố màu nào cũng được, nhưng trước kia không dùng được màu vàng vì đây là màu của hoàng gia .
Mở đầu đấu vật thường có lễ trình thánh. Từng cặp đấu thủ sẽ đi song song vào đình làm lễ trước hương án. Tiếp theo là màn “Vật lễ” giữa các đô nhà mang tính chầt mở hội, sau đó mới đến màn đấu vật chính thức. Có nơi mở đầu bằng trận đấu thiếu niên rồi sau mới đến các trận đấu vật của thanh niên…

\"ĐẤU ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Trước khi vào một trận đấu, hai đô vật thường ra sới trình diễn trước khán giả một số động tác múa võ (xe đài). Đây là một hình thức khởi động, thể hiện rõ nét đặc tính dân tộc của môn đấu vật Việt Nam. Mỗi địa phương có cách xe đài (khác nhau ở động tác tay, thân mình; còn bước chân cơ bản giống nhau). Tuỳ theo đặc điểm, tính chất phong tục của từng địa phương mà có nơi tay và thân mình múa theo kiểu con phượng, có nơi lấy hình tượng con hạc đứng, có nơi kết hợp nhiều hình tượng, nhiều thế đứng cho kiểu xe đài của mình. Điểm giống nhau của kiểu xe đài là cách tiến lên, lùi xuống và ra vào. Tất cả xe đài đều thực hiện ba bước tiến, ba bước lùi; ra vào hai bước ba lần. Ngày nay, trên sới vật miền bắc, hầu hết đấu vật đều xe đài theo kiểu mới. Trong xe đài theo kiểu mới, các động tác tay và thân mình cơ bản vẫn theo kiểu cũ, nhưng cũng đã được bổ sung nhiều động tác mang tính hình tượng khoẻ và đẹp, bước chân nhiều hơn, tự do hơn; tuy nhiên vẫn mang tính truyền thống.
Khi cuộc đấu vật chính thức bắt đầu với tiếng trống lệnh, hai đấu thủ xuống thế ngay ban đầu để “ vật vờn” trình thánh, sau mới đến “ vật khảo”, tức tranh tài cao thấp thì các đối thủ thực tình thi đấu. Các đối thủ tài năng thường đi thế biểu diễn những miếng võ vừa chững chạc hay huê dạng, tuy nhiên vẫn nghiêm túc và quyết tâm giành thắng lợi .
Luật của đấu vật Việt Nam từ bao đời nay qui định người thắng cuộc phải làm cho đối phương “ lấm lưng , trắng bụng”, nghĩa là bị lật ngữa trên mặt đất, phơi bụng lên trời, hoặc là bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất, mất thế tựa vững vàng. Do vậy, đấu vật có những kỷ thuật đặc thù nhằm đưa đối phương vào các tư thế thua cuộc đã được qui định, gọi là “miếng vật”. Mỗi miếng đánh mang sắc thái của từng địa phương, cho nên có câu: “miếng sườn Bồng Lạng , miếng háng Liễu Đôi…”. Những miếng vật cơ bản thường gặp trong đấu vật như: miếng bốc (kỷ thuật dùng hai tay bắt lấy một chân hoặc cả hai chân đối phương nhấc lên cao, quậc ngã ngữa họ xuống), miếng gồng (dùng hai tay giật đối phương nằm dọc trên bả vai và quật cho ngã ngửa), miếng sườn (dùng tay kéo mạnh đối phương áp sát vào sườn, kết hợp với cản chân quật đối phương ngã ngữa), miếng móc (kỷ thuật phối hợp tay chân làm đối phương mất thăng bằng và ngã ngửa ra sau ), miếng bò (kỹ thuật phá thế nằm bò của đối phương)… Trong đấu vật cũng có một số miếng thế bị cấm như: móc hàm, móc nách, móc xương quai xanh, nắm tóc giựt, bóc yết hầu (làm nghẹt thở đối thủ), nắm hạ bộ… Đấu thủ nào cố ý làm sai phạm luật thì bị đuổi ra ngoài, bị cảnh cáo, bị phạt không được giao đấu trong một thời gian vài năm và bị cười chê … tuỳ theo sai phạm nặng nhẹ.

\"ĐẤU ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Trong những Hội vật, thường có nhiều giải thưởng, gồm: giải chính và giải phụ, tức giải cho từng hiệp đấu và giải chung cuộc dành cho người thắng suốt trong những ngày mở hội, tức là vô địch. Thường bao giờ cũng có nhiều giải phụ (giải hàng). Vật giải hàng, cứ hai đối thủ vật nhau, người nào thắng thì được giải. Còn những giải chính của Hội Làng chỉ vật vào những ngày chính hội. Trong ngày này nếu có nhiều người phá giải thì người giữ giải nhất, nhì hoặc ba, sau khi vật giật thắng một số đấu thủ, tuỳ theo mỗi giải sẽ được tuyên bố trúng giải. Giữ giải nhất vật ít nhất sáu đối thủ khác, giải nhì phải vật được năm và giải ba vật được bốn. Người phá giải, sau khi vật thắng được người giữ giải , không phải là được giải ngay, mà còn phải vật thêm một số đối thủ khác nữa. Phá giải nhất phải thắng thêm bốn người, phá giải nhì phải thắng thêm ba người và phá giải ba phải thắng thêm hai người. Đối với ba giải chính, khi đối thủ phá xong mỗi giải, hoặc do người giữ giải đã vật đủ số người theo lệ định, hoặc do người phá giải toàn thắng, trước đây, dân làng thường đốt một bánh pháo hồng để mừng người được giải. Nếu giữ giải nhất ai không dám phá thì được lãnh “giải cạn” có nghĩa là giải … cạn kết, không còn trận nào nữa, cũng có nghĩa là giải vô địch. Riêng Hội vật võ Liễu Đôi, giải đấu vật chia làm ba loại: giải cọc (nhất hội, dành cho người thắng tất cả các đô vật), giải thứ (có ba bậc nhất, nhì, ba), giải cuộc (tặng cho các đô vật vào vòng thi đấu, không kể thắng hay bại) …

\"ĐẤU ĐẤU VẬT, MÔN VÕ LÂU ĐỜI CỦA NGƯỜI VIỆT

Từ năm 1995 trở lại đây, kết hợp truyền thắng đấu vật của dân tộc với việc tiếp thu tinh hoa và luật lệ thi đấu của hai môn vật tự do và vật cổ điển của thế giới, bộ môn đấu vật của Việt Nam đã được phục hồi, hình thành nên phong trào tập luyện đấu vật ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các vận động viên môn vật Việt Nam bước đầu cũng đã tạo được một số thành tích nhất định trong những giải thi đấu quốc tế giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á – Thái Bình Dương. Có thề nói, đấu vật, một môn thể thao truyền thống, chừng như sắp chìm vào quên lãng, nay có điều kiện bảo tồn và phát huy theo xu hướng mới; giống như cảnh vật u buồn , ảm đạm suốt mùa đông lạnh lẽo , đã bắt đầu tươi tắn, rộn ràng dưới ánh nắng xuân …

Trích từ sách \”Tìm hiểu võ thuật Việt Nam\” của Tiến Sĩ – Võ Sư Hồ Tường, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2010.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *