vosu1

Sơ lược tiểu sử Tổ Sư Suzuki Choji (1919 – 1995)

Sơ lược tiểu sử Tổ Sư Suzuki Choji (1919 – 1995)vosu1

 

Ông sinh ngày 10-6-1919 ở Tagajo Shi Miyagiken miền bắc Nhật Bản. Là anh cả của 4 anh em trong gia đình, từ nhỏ cậu bé Choji Suzuki đã có tính cách khác người. Cậu không thích việc gây gỗ đánh nhau nhưng khi đã phải đánh nhau thì chỉ muốn đánh cho kỳ thắng cuộc, đã quyết làm việc gì thì khó ai ngăn cản. Cậu đam mê nuôi chim, cá, trồng cây cảnh, bản tính thì hào phóng, ghét sự tù túng, đặc biệt rất thích theo học nhu đạo ở câu lạc bộ nhà trường. Đang tuổi ăn học nhưng cậu đã biết tự lập bằng việc tìm lên thủ đô Tokyo học Đại học Y Khoa và vừa làm thêm cho một salon xe hơi, đồng thời say mê nghiên cứu võ thuật và đạo Phật. Từ một người làm công, Choji Suzuki dần dần học hỏi được thêm nhiều điều về kỹ thuật ô tô và cả việc kinh doanh xe hơi. Ngày làm, đêm về cậu không theo chúng bạn chơi bời mà dồn hết tâm sức vào việc đọc sách nghiên cứu về nhu đạo và Karate hoặc tham gia luyện tập ở các võ đường.

      Niềm đam mê và duyên kỳ ngộ đã đưa bước chân của Choji Suzuki đến với những đại sư của Takeno Uchi Ryu (Trúc Chi Nội Lưu – một hệ phái của Karate cổ có nguồn gốc từ Okinawa) đang mai danh ẩn tích ở một ngôi chùa tại vùng núi cao ngoại ô Nagasaki. Ông được Thiền sư Kisa Buroo, trụ trì ngôi chùa Shiogama Shinza tại Thành Phố Shiogama, Tỉnh Miyagiken (cạnh Thành Phố Tagajo Shi Miyagiken nơi ông sinh sống) khai ngộ, truyền dạy Karate Takeno Uchi Ryu thuộc dòng Thiền Soto (Tào Động) do Thiền sư Dogen Kigen (1200-1253) sáng lập. Tương truyền, các đại sư trường phái Takeno Uchi Ryu chỉ truyền thụ cho các môn đồ thiền tông và rất giới hạn về số lượng, giới luật cũng cực kỳ khắt khe. Vị đại sư Kisa Buroo trực tiếp truyền thụ cũng chỉ nhận đúng ba đệ tử và Choji Suzuki là một trong 3 cao đồ hiếm hoi đó. Suốt một thời gian dài khi mới nhập môn, Choji Suzuki chỉ được bảo làm một việc duy nhất là từ sáng đến tối ngồi trước của chùa với một chén cơm, mỗi khi có con ruồi nào bay đến thì chụp. Tiến thêm một bước nữa là thay vì dùng tay chụp thì dùng đũa mà gắp cho bằng được những con ruồi đang bay qua. Người không đủ kiên nhẫn hẳn không thể qua nổi bước thử thách tưởng giản đơn mà cực kỳ khó khăn này. Đây chính là cách để các đại sư trường phái Takeno Uchi vừa dạy cho các môn đồ thấm hiểu thế nào là “nhẫn”, vừa là bước rèn luyện đầu tiên để sau này có được những đòn shuto, atemi sấm sét và cực kỳ chính xác.

      Năm 21 tuổi, chàng thanh niên Choji Suzuki đã đạt ngộ được võ công thì cũng là lúc phải gia nhập quân đội Thiên hoàng đi khắp nơi và cuối cùng là đến Việt Nam năm 1940. Kết thúc Đệ nhị thế chiến 1945, một số binh lính Nhật không về nước mà ở lại Việt Nam tình nguyện tham gia mặt trận Việt Minh, trong đó có anh lính Choji Suzuki. Thời bấy giờ, những người lính Nhật tham gia vào lực lượng Việt minh đều được mang một cái tên Việt, cái tên Phan Văn Phúc của Choji Suzuki được bắt đầu từ đó. Ở trong lực lượng Việt minh, ngoài công việc chuyên môn chàng sĩ quan trẻ Phan Văn Phúc còn tình nguyện dạy võ Karatedo chiến đấu cận chiến và tự vệ đầu tiên cho bộ đội ở quân khu IV phục vụ cách mạng.   

     Năm 1952, ông chuyển công tác vào xưởng sản xuất dụng cụ y tế ở Quảng Ngãi. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Minh Lệ (Cô Năm) – Người nữ cứu thương của Liên khu V gốc Tam Quan-Bình Định và lấy họ tên Việt là Phan Văn Phúc. Các con ông cũng được đặt tên theo quê ngoại: Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki), Phan Thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki).     

      Sau Hiệp định Geneve 1954, ông ở trong đoàn quân tập kết ra Bắc, nhưng do phương tiện nên trễ, ông cùng gia đình về định cư ở Huế. Lúc bấy giờ việc mở lò dạy võ rất khó do chính quyền cấm đoán, muốn phát triển diện rộng phải dạy võ ở Ty cảnh sát thời ấy. Ông có phương tiện là chiếc xe Mobyllet màu vàng cũ kỹ và một căn hộ nhỏ hẹp, vỏn vẹn chỉ có hai phòng tập, một phòng giành cho Karatedo và một phòng giành cho Judo, tất cả không quá 200 m2 (ở dưới chân cầu Đông Ba) số 8 – Võ Tánh (hiện nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Thành Phố Huế). Từ năm 1956, ông đã truyền thụ cho một số môn đồ tâm huyết làm nòng cốt. Ông sáng lập Hệ phái Suzucho Karatedo. Suzucho là ghép từ họ Suzuki và tên của ông là Choji (Linh Mộc Trường Trị) hay Linh Trường, cũng có nghĩa là “Tiếng chuông vang xa”.  Đến năm 1963, võ đường Suzucho Karatedo mới chính thức hoạt động thu nhận môn sinh với môn quy rất nghiêm khắc, bằng phương pháp truyền thống rất phong phú, khoa học và thực dụng. Nhưng đến tháng 11/1964, Nha Thanh niên thuộc chính quyền Sài Gòn mới cấp giấy phép chính thức mở võ đường Linh Trường Không thủ tại ngôi nhà này.

      Năm 1978 Choji Suzuki cùng vợ con quay về định cư ở Nhật Bản nhưng vẫn giữ cương vị chưởng môn của hệ phái Suzucho Karatedo. Ông mất tại quê nhà ngày 6-2-1995 tại tỉnh Miyagiken. Một năm sau đó, con trai trưởng nam của ông là Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki) đăng quang chưởng môn đời thứ 2 tại Nhật Bản. Năm 2005 người con gái lớn của võ sư Choji Suzuki đã quay về Huế thay mặt gia đình hiến tặng căn nhà số 8 Võ Tánh cho ngành thể dục thể thao Thừa Thiên – Huế.

choji suzuki su to

Toàn bộ hệ thống triết học của hệ phái Suzucho Karate Do ẩn sâu trong 9 bài quyền được coi là đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI. Đứng đầu hệ phái là Chưởng môn, điều hành hệ phái là một ban chấp hành mà đứng đầu là Trưởng tràng, bên dưới Ban chấp hành là các phân đường của các tỉnh thành. Theo lời kể của các cao đồ như Trương Đình Hùng, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Thêm v.v… thì lúc bấy giờ việc xin vào thụ giáo ở võ đường 8 Võ Tánh không phải là chuyện dễ, bởi võ sư Choji Zuzuki chỉ chấp nhận truyền thụ cho những môn đồ trước hết phải có đạo đức tốt, không rượu chè, cờ bạc, việc dạy Lễ, Tâm luôn được coi trọng hàng đầu. Từ cái nôi võ đường số 8 Võ Tánh, chỉ sau 45 năm hệ phái đã có gần 40 phân đường ở các tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Hà Nội, TPHCM, Côn Đảo v.v…, số môn sinh hiện đã lên con số hàng vạn, trong đó có những môn sinh đã trở thành huấn luyện viên xuất sắc của đội tuyển quốc gia như HLV Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh; những môn sinh xuất sắc như Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà, Vũ Kim Anh … đã mang vinh quang về cho quốc gia bằng những huy chương vàng, bạc từ đấu trường Sea Games và Asiad; những trí thức nổi danh như tiến sĩ Lê Hoài Trung, tiến sĩ Lê Đình Khánh, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp … và cả nhà văn nhà báo tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thạo, Lê Thanh Phong v.v… Rất nhiều môn sinh sau này có dịp định cư hoặc học tập ở nước ngoài đã mở được 6 phân đường chi nhánh ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Áo.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *